Trong loạn An Sử Ngư_Triều_Ân

Ngư Triều Ân người Lư Xuyên thuộc Lư châu. Cuối niên hiệu Thiên Bảo (742-756) đời Đường Minh Hoàng, ông làm chức Hoàng môn, được đánh giá là người tỉ mỉ, giảo hoạt, giỏi tuyên truyền và tiếp nhận các chiếu lệnh[1].

Cuối năm 755 loạn An Sử nổ ra. Năm 756, quân An Lộc Sơn đánh vào kinh thành Trường An. Ngư Triều Ân trong số triều thần theo thái tử Lý Hanh chạy về Linh Vũ. Thái tử Hanh lên ngôi tức là Đường Túc Tông.

Năm 757 thời Đường Túc Tông, Ngư Triều Ân làm giám sát cánh quân Lý Quang Bật.

Trận Nghiệp Thành

Tháng 9 năm 758, Đường Túc Tông điều động 9 Tiết độ sứ đi đánh vua Yên là An Khánh Tự (giết An Lộc Sơn cướp ngôi) ở Nghiệp Thành. Quân Đường có tổng cộng 60 vạn người. Đường Túc Tông lại cho rằng vì 2 danh tướng Tử Nghi và Quang Bật có công trận ngang nhau, không thể đặt ai trên ai, nên sai Ngư Triều Ân Quân dung tuyên úy, Xử trí sứ, tức đóng vai trò tổng chỉ huy.

Tháng 2 năm 759, Tiết độ sứ 9 phương của nhà Đường dẫn quân đông đảo tới bao vây Nghiệp Thành. Sử Tư Minh từ Phạm Dương đến cứu An Khánh Tự, nhưng thấy thế quân Đường mạnh mẽ bèn dẫn quân đến Phẫu Dương đóng lại không tiến. Quân Đường dẫn nước sông Chương vào thành. Trong thành nước ngập rất nguy cấp, nhưng An Khánh Tự vẫn cố phòng thủ chờ viện binh của Sử Tư Minh. Ngư Triều Ân không hiểu việc quân sự nên dùng dằng không ra lệnh đánh thành. Sử Tư Minh nhân cơ hội phái quân cướp lương cho quân Đường đói rồi đánh úp vào đại doanh khiến quân Đường thua lớn, các Tiết độ sứ chạy tản mỗi người một nơi.

Ngư Triều Ân vốn ganh ghét với công trạng của Tử Nghi[2], dâng sớ kể tội Tử Nghi làm quân Đường bại trận ở Nghiệp Thành. Đường Túc Tông bèn triệu Tử Nghi về triều, sai Lý Quang Bật chỉ huy quân đội.

Trận Mang Sơn

Sử Tư Minh giết An Khánh Tự, tự mình làm vua Yên, mang quân đối đầu với Lý Quang Bật ở Lạc Dương. Lý Quang Bật tạm rút khỏi Lạc Dương rồi dùng kế đánh bại Sử Tư Minh tại Hà Dương.

Chiến thắng của Lý Quang Bật lại khiến Ngư Triều Ân ghen ghét[3], tâu với Đường Túc Tông rằng quân Yên ô hợp dễ đánh khiến Túc Tông có ý định phải thu hồi ngay Lạc Dương, bắt Quang Bật phải mở tấn công ngay. Lý Quang Bật nhận định quân địch còn mạnh chưa thể đánh chiếm thành được, nên nhiều lần viết thư về kháng nghị chưa nên ra quân. Nhưng Túc Tông vẫn nóng lòng thắng trận, liên tiếp sai sứ ra thúc giục, lại cử Ngư Triều Ân ra làm chỉ huy.

Vì bị triều đình cưỡng bách, đầu năm 761, Lý Quang Bật đành phải ra quân. Lý Quang Bật và Ngư Triều Ân gặp đại quân Yên của Sử Tư Minh ở núi Mang Sơn ở phía tây bắc Lạc Dương. Hai bên giao chiến lâu ngày không phân thắng bại. Sử Tư Minh sai người trà trộn vào quân Đường, phao tin rằng: "Quân Yên đều là người U châu, nhớ nhà, mong về quê".

Ngư Triều Ân nghe tin đó, hạ lệnh cho Lý Quang Bật và các Tiết độ sứ khác phải thừa cơ đánh úp quân Yên ngay. Thế là quân Đường rầm rộ tiến công. Quân Yên giả thua rút chạy, lại vứt đồ ra đầy đường. Quân Đường tranh nhau nhặt đồ, bị quân Yên quay lại phản kích, đánh tan quân Đường ở phía bắc Mang Sơn.

Giữ Thiểm châu

Lý Quang Bật bị quy trách nhiệm để thua trận Mang Sơn, dâng biểu tạ tội và bị cách chức. Sử Tư Minh thừa thắng mang quân tấn công. Đường Túc Tông lo sợ, phải điều quân Thiểm châu về phòng ngự cho Trường An, giao cho Ngư Triều Ân phòng thủ Thiểm châu.

Vệ Bá Ngọc ra cầm quân, Ngư Triều Ân lại được giao làm chỉ huy. Bá Ngọc chặn được mấy đợt tấn công của tướng Yên là Khang Văn Cảnh khiến quân Yên phải tạm lui[4].

Giữa lúc đó cha con Sử Tư Minh có hiềm khích. Con lớn của Tư Minh là Sử Triều Nghĩa sợ bị cha trị tội xây thành muộn kỳ hạn bèn giết cha giành ngôi vua Yên. Triều Nghĩa không có tài cầm quân, bị quân Đường đánh bại liên tiếp.

Năm 762, quân Đường phản công giành lại Lạc Dương. Ngư Triều Ân được chuyển về đóng ở Biện châu, giữ chức Khai phủ nghi đồng tam ty, Phùng Vũ quận công.